­

Du lịch cộng đồng Bản Ngàm

Du lịch cộng đồng đang là lợi thế của Thanh Hóa khi sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh cùng đặc trưng văn hóa địa phương. Bên cạnh những điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng như Pù Luông, bản Mạ... còn có nhiều điểm du lịch cộng đồng mới, hấp dẫn, thu hút khách du lịch, trong đó có bản Ngàm của xã Sơn Điện (Quan Sơn).


Một tiết mục văn nghệ phục vụ khách du lịch.

Bản Ngàm cách trung tâm huyện hơn 20km về hướng Tây Nam, với vị trí giao thông thuận lợi, là nơi sinh sống của hai dân tộc Thái (chiếm trên 80%) và Mường. Bản được thiên nhiên ban tặng cảnh quan kỳ vĩ và thơ mộng, mặt khác lại nằm dọc theo con sông Luồng là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng.

Hoạt động du lịch cộng đồng của bản manh nha từ khoảng năm 2019, bị ngưng trệ do dịch COVID-19, đến nay đã trở lại sôi động và trên đà phát triển. Hiện tại, bản có 75 hộ dân, thì đã có 23 hộ đăng ký làm du lịch, trong đó có 11 hộ xây dựng được homestay, đủ điều kiện đón khách lưu trú qua đêm. Từ chỗ chỉ sản xuất nông, lâm nghiệp, đến nay cuộc sống của người dân bản Ngàm đã có nhiều thay đổi do có thêm nguồn thu từ hoạt động du lịch.

Chị Lữ Thị Nguyện, một trong những hộ dân tham gia hoạt động du lịch sớm nhất của bản, cho biết: “Từ năm 2018 gia đình đã có khách lưu trú nhưng chưa nhiều, nhận thấy tiềm năng du lịch của bản, đồng thời được chính quyền động viên, khuyến khích gia đình quyết định vay mượn, đầu tư khoảng 500 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp nhà ở hiện tại thành cơ sở lưu trú cho khách du lịch”. Hiện tại, cơ sở của chị Nguyện là một trong những điểm lưu trú lớn của bản, cung cấp từ 25 – 30 chỗ nghỉ dưỡng cho du khách. Được biết, trước đây chị Nguyện làm nông nghiệp, thu nhập bấp bênh. Từ ngày làm du lịch cộng đồng chị đã có nguồn thu nhập khá, ổn định, số nợ vay đã được trả hết. Tới đây, chị Nguyện sẽ tiếp tục mở rộng cơ sở lưu trú, xây dựng thêm phòng nghỉ dưỡng. “Du lịch không những tạo công ăn việc làm cho bà con mà còn mang lại nguồn thu nhập khá, giúp bà con thoát nghèo bền vững. Vào mùa cao điểm hộ nào không kinh doanh nhà nghỉ thì có thể mang sản vật địa phương, nhà làm được để bán cho khách hoặc tham gia đội văn nghệ của bản”, chị Nguyện cho biết thêm.

Bà Vi Thị Doanh, chủ một homestay đồng thời là nghệ nhân dân gian nghề dệt thổ cẩm tại địa phương, cho biết: “Phụ nữ dân tộc Thái thế hệ của bà đều tự dệt, tự may trang phục cho bản thân và cả gia đình. Nghề có nguy cơ mai một nhưng từ ngày du lịch địa phương phát triển, nghề truyền thống và sản phẩm nghề truyền thống được du khách yêu thích đã có nhiều chị em mong muốn được học và theo nghề”. Bà Doanh đã truyền nghề cho nhiều chị em phụ nữ trong xã, đồng thời dạy họ tạo nên những sản phẩm trang trí, quà lưu niệm phục vụ du khách.


Homestay nghỉ dưỡng của gia đình chị Nguyện.

Điểm nhấn du lịch cộng đồng ở bản Ngàm là đặc trưng văn hóa dân tộc Thái đó là kiến trúc nhà sàn, ẩm thực, lời ca tiếng hát... và đặc biệt là nghệ thuật dệt thủ công truyền thống của phụ nữ. Hiện tại, bản còn lưu giữ nhiều nhà Thái cổ, có tuổi đời hàng trăm năm với kiến trúc độc đáo. Tham quan, khám phá nhà sàn Thái, du khách tiếp tục trải nghiệm nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt của người dân địa phương, thông qua các món ẩm thực độc đáo của dân tộc và các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ với cư dân nơi đây. Đó là những đặc sản núi rừng như lợn mán, xôi nếp nương, canh uôi, cá sông... Đặc biệt, du khách trải nghiệm đi bè tre, cảm nhận luồng nước xanh trong vắt của con sông Luồng, ngắm nhìn cảnh đẹp thiên nhiên hai bên bờ sông và chụp những bức hình kỷ niệm tuyệt đẹp. Ngoài ra, du khách có thể trải nghiệm hoạt động đánh bắt cá trên sông, xúc tôm cá... mang thành phẩm về chế biến, thưởng thức tại homestay

Chị Nguyễn Thị Mai, du khách đến từ TP Thanh Hóa cho biết: “Tôi đã đi nhiều điểm du lịch cộng đồng tại Thanh Hóa, có những nét chung nhưng vẫn luôn có điểm riêng khác biệt. Ở bản Ngàm điều tôi thích nhất là được ngâm mình thư giãn tại phòng tắm có mó nước dẫn về, trải nghiệm nghề dệt truyền thống của người dân tộc Thái”.

Xây dựng bản Ngàm thành khu du lịch cộng đồng, những năm qua, xã Sơn Điện đã tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương vận động Nhân dân làm nhà sàn truyền thống giữ nét văn hóa của dân tộc mình, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng khuôn viên xanh, sạch, đẹp. Trong đó, phải chú trọng việc giao tiếp, ứng xử có văn hóa thì du lịch cộng đồng mới phát triển đúng hướng và bền vững. Với quan điểm nhất quán là phát triển du lịch gắn liền với giữ gìn bản sắc văn hóa bản địa và bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ môi trường xã Sơn Điện đã triển khai nhiều hoạt động tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của Nhân dân và nâng cao vị trí, vai trò, hiệu quả của du lịch, tạo thế cho du lịch phát triển bền vững.

Phan Thị (Nguồn THO)

Album

Album videos