Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Đảng, Nhà nước đã quan tâm, chăm lo hơn cho lĩnh vực văn hoá

Tiếp theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6, sáng 24/10, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở tổ về một số nội dung quan trọng.

Đảng, Nhà nước đã quan tâm, chăm lo hơn cho lĩnh vực văn hoá

Phát biểu tại tổ thảo luận, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) nhận định, năm 2023 nền kinh tế thế giới cũng như trong nước gặp nhiều khó khăn. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 không chỉ tác động đến nền kinh tế Việt Nam mà ở tất cả các quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Đảng, Nhà nước đã quan tâm, chăm lo hơn cho lĩnh vực văn hóa - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại tổ thảo luận

Đưa ra cái nhìn chung sau khi tham gia một số chuyến công tác của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại một số quốc gia, Bộ trưởng cho rằng, hiện các quốc gia đều khó khăn, thậm chí một số nước còn khó khăn hơn ở Việt Nam vì tổng cầu giảm, việc phục hồi kinh tế không phải ngày một ngày hai. Vì thế khó khăn mà chúng ta gặp phải nằm trong quy luật khách quan.

Theo Bộ trưởng, độ mở nền kinh tế của chúng ta cao, trong khi nội lực kinh tế của chúng ta đang thấp, phụ thuộc vào nhiều thị trường ở các quốc gia khác. Vì vậy việc sản xuất chưa được như mong muốn, tốc độ tăng trưởng chưa được như Nghị quyết của Quốc hội. Đó cũng là do khó khăn khách quan chung trong nền kinh tế toàn cầu.

Về lĩnh vực Du lịch, Bộ trưởng cho biết chúng ta đã cán đích chỉ tiêu đặt ra trong năm 2023. Quốc hội và Chính phủ đã rất đồng hành để cùng tháo gỡ các khó khăn của ngành. Khi thấy điểm nghẽn là thủ tục xuất nhập cảnh, visa, Quốc hội đã tháo gỡ bằng việc sửa Luật về xuất nhập cảnh nhằm tạo ra hành lang pháp lý tốt hơn để đón khách quốc tế.

Bên cạnh đó Ngành Du lịch cũng đã chủ động làm mới các sản phẩm, đặc biệt là cụ thể hóa 6 nghị quyết chuyên đề về kinh tế vùng trong đó lấy yếu tố kết nối, liên kết trong phát triển làm trọng tâm. Từ đó, trong 9 tháng chúng ta đã đón trên 9 triệu lượt khách quốc tế, hiện đang đặt mục tiêu phấn đấu đón 12-13 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.

"Chúng ta không chỉ dựa vào thị trường khách truyền thống là Trung Quốc mà hiện đang tính thêm các thị trường tiềm năng, thị trường lớn có mức chi tiêu cao để tập trung quảng bá, xúc tiến, làm mới các sản phẩm du lịch" - Bộ trưởng cho hay.

Vấn đề tiếp theo mà Bộ trưởng đề cập đó là, Chính phủ đã tập trung tháo gỡ, quyết liệt chỉ đạo đầu tư công, góp phần cho tăng trưởng kinh tế. "Tôi thấy quyết tâm của Chính phủ rất cao khi đã không đề nghị Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu mà phải nỗ lực làm hết sức để xem đến thời điểm cuối 31/12 sẽ cán ở mức nào. Điều đó thể hiện ý chí quyết tâm, chủ động, quyết liệt, không vì thấy khó khăn mà điều chỉnh chỉ tiêu xuống để hoàn thành nhiệm vụ" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, Chính phủ đã nhận diện được khó khăn, nỗ lực tìm kiếm các dư địa phát triển, tìm giải pháp thúc đẩy các ngành khó khăn. Thể hiện rõ nhất là ở chúng ta đã chuyển từ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp, để nông nghiệp vươn lên làm trụ đỡ, đảm bảo sản xuất.

Đất nước ta có 70% dân số sống bằng nông nghiệp, nhìn lại thời gian qua chúng ta đã có bước tiến khá dài. Ví dụ điển hình đó là khi các quốc gia lúng túng cấm xuất nhập khẩu gạo thì Việt Nam trở thành điểm sáng xuất nhập khẩu gạo trên trường quốc tế, qua đó thu hút được ngoại tệ, đảm bảo an ninh lương thực cho cộng đồng đồng thế giới.

Về xã hội, trong báo cáo của Chính phủ có 10 chỉ tiêu xã hội hoàn thành theo nghị quyết. Trong đó, văn hoá, xã hội đã có bước phát triển. Tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ BCH Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định, trong khó khăn các lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, có kết quả rõ nét.

Chúng ta có thể khẳng định, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, chăm lo hơn cho lĩnh vực văn hoá, từ trong nhận thức để bắt đầu chuyển dần trong hành động. Rõ ràng đã có những chuyển biến, đặt ngang văn hóa với chính trị và kinh tế. Khẳng định rõ quan điểm trong đầu tư, phát triển đó là giữ cho được văn hóa của dân tộc mình.

Trong văn hoá, nếu nhìn lại thì chúng ta đã bắt đầu tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa thông qua các công cụ pháp luật, phát hiện nhiều điểm nghẽn để trình các cấp có thẩm quyền. Trong nửa đầu nhiệm kỳ, đã có một số bộ luật về văn hoá, gia đình được Quốc hội thông qua. Ngành Văn hóa cũng đã tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức các hội thảo quốc gia để tìm kiếm và khơi thông nguồn lực cho văn hoá, xác định nguồn lực đó bắt đầu từ thể chế.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng làm tốt hơn vấn đề về lễ hội. Nếu trước đây cứ đến mùa lễ hội thường xuất hiện nhiều hiện tượng phản cảm, phi văn hóa thì nay 63 tỉnh, thành phố đã tăng cường công tác quản lý. Các lễ hội được giữ gìn, tôn tạo, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, tăng thu cho ngân sách và thu hút du lịch.

"Không có địa phương nào tổ chức lễ hội không tạo ra hiệu quả từ việc thu hút khách du lịch đến lưu trú, tăng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm OCOP, ký kết được các hợp tác với các doanh nghiệp. Như giỗ Tổ Hùng Vương, do đổi mới cách làm đã thu hút được hơn 7 triệu lượt khách trong ngày Giỗ Tổ, qua đó cũng góp quảng bá di sản thờ cúng vua Hùng" - Bộ trưởng dẫn chứng.

Cầu thị tiếp thu tất cả ý kiến để hoàn thiện Chương trình MTQG về chấn hưng, phát triển văn hóa

Từ nhận thức đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Đảng, Nhà nước đã giao cho Bộ VHTTDL là cơ quan chủ trì xây dựng cho được Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035. Sau khi có Nghị quyết từ Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Bộ VHTTDL đã tổ chức 2 hội thảo với sự tham dự của 63 địa phương với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Đảng, Nhà nước đã quan tâm, chăm lo hơn cho lĩnh vực văn hóa - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Chúng tôi đã nghiêm túc tính toán, cân nhắc, cầu thị tiếp thu tất cả ý kiến để hoàn thiện dự thảo Chương trình MTQG về chấn hưng, phát triển văn hóa

"Chương trình MTQG về văn hóa chủ yếu đi vào công tác xây dựng môi trường văn hóa, tôn tạo bảo tồn phát huy các di sản, từ đó là nơi để quảng bá văn hóa, bao gồm nguồn lực của nhà nước và của xã hội" - Bộ trưởng cho biết.

Hiện nay, cả nước có 128 di tích đặc biệt quốc gia và di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích ở địa phương bị xuống cấp và hỏng, chưa được quan tâm bởi nguồn lực ở địa phương còn có hạn. Chính vì thế các di tích này cần được chăm lo, đó là các di tích lịch sử, vì thế rất cần để đưa vào Chương trình MTQG.

Mục tiêu nữa mà Bộ trưởng đề cập đến đó là phải bảo tồn các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam, đó là các loại hình nghệ thuật như Tuồng, Chèo, Cải lương…rất cần gìn giữ và phát huy giá trị.

Đồng thời, chúng ta cũng cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về văn hóa, để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Tại các quốc gia họ đều có các Trung tâm văn hóa của đất nước họ tại nước ngoài và sức ảnh hưởng của các Trung tâm này rất lớn. Ngay tại Việt Nam cũng có rất nhiều Trung tâm văn hóa các nước đặt ở nước ta. Trong khi đó, do điều kiện kinh tế của đất nước ta còn khó khăn nên hiện tại chỉ có 2 Trung tâm văn hóa đặt tại Lào và Pháp, và cũng chưa được đầu tư đúng mức.

Với nhu cầu mở rộng ngoại giao văn hóa hiện nay, Bộ đã khu trú và lựa chọn khu vực, vùng nào có nhiều kiều bào Việt Nam sinh sống đông nhất để đề xuất Chính phủ và Quốc hội cho phép được thành lập trung tâm.

Theo Bộ trưởng, qua tổng hợp từ các địa phương thì chúng ta mới có được con số 350 nghìn tỷ đồng, đây là con số khái quát, chúng ta vẫn còn lượng hóa cụ thể trong ngân sách theo từng giai đoạn.

Khi được thông qua với những mục tiêu cụ thể, Bộ trưởng mong muốn các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến để Bộ hoàn thiện tiếp chương trình này. "Hiện nay chúng tôi đã nghiêm túc tính toán, cân nhắc, cầu thị tiếp thu tất cả ý kiến. Tại phiên họp vừa qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã có ý kiến về việc nỗ lực thông qua sớm chương trình này" - Bộ trưởng chia sẻ.

"Văn hóa là lĩnh vực rộng, phải làm lâu dài và phải có lộ trình, như Bác Hồ từng nói: "Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây, 100 năm thì phải trồng người", mà văn hóa là trồng người vì thế cũng rất cần quỹ thời gian và công cụ để thực hiện" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phát biểu sau đó, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) tán thành với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng. Đại biểu cho rằng Ngành Văn hóa thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Đại biểu cũng mong muốn Bộ VHTTDL quan tâm nhiều hơn nữa đến tỉnh Đắk Nông, một địa phương vùng sâu, vùng xa, văn hóa còn chưa có nhiều sự quan tâm đầu tư./.

Thế Công (Nguồn BVHTTDL)

Album

Album videos