Khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển thịnh vượng (Bài 1): Vượt “gió ngược”, đón đầu lợi thế
Đăng ngày 25/10/2023 09:29 AM
Trong sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, khả năng dự báo sát, đúng, trúng, từ sớm, từ xa tình hình; cũng như nghiên cứu thấu đáo các yếu tố bên ngoài, các thách thức nội tại và đặc biệt là nắm bắt lợi thế so sánh, được xem là nhân tố quan trọng, quyết định đến thành quả phát triển.
Cảng Hàng không Thọ Xuân. Ảnh: Lê Hợi
Nhận diện thách thức
Đối với tỉnh Thanh Hóa, khi bước vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, việc nắm bắt được tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực là vô cùng quan trọng và đóng vai trò quyết định. Song bên cạnh đó, một yếu tố cũng rất cần được nhấn mạnh là khả năng dự báo sát, đúng, trúng, từ sớm, từ xa tình hình; nghiên cứu thấu đáo các yếu tố bên ngoài, cũng như các thách thức nội tại, để đề ra những sách lược sát, đúng, kịp thời và hiệu quả.
Dự thảo Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 (gọi tắt là Nghị quyết), đã dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về kinh tế, chính trị và an ninh; thị trường thế giới, nhất là thị trường vốn, năng lượng, nguyên liệu... liên tục thay đổi và dễ bị tổn thương do các chính sách của các nước lớn. Ở trong nước, bên cạnh những nhân tố tích cực như nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi; khả năng điều hành, ứng phó với những biến động bất thường của tình hình thế giới, khu vực được nâng lên; thì cũng đang tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, do sức ép lạm phát, tỷ giá; hay nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài và mới phát sinh cần phải tập trung giải quyết... Những yếu tố trên đang và sẽ tác động đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết.
Cùng với việc nắm bắt các yếu tố bên ngoài, thì việc nhìn nhận rõ các thách thức nội tại cũng là yêu cầu có tính tất yếu. Cũng theo Dự thảo Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết, thì các nhân tố tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa vẫn rất lớn, với nhiều yếu tố khó dự báo hơn, thách thức lớn hơn và khó lường hơn. Đó là giá nguyên, vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao; một số thị trường truyền thống bị thu hẹp; môi trường đầu tư kinh doanh chưa thật sự thông thoáng, hấp dẫn; nhiều nút thắt, điểm nghẽn cản trở sự phát triển chậm được tháo gỡ, nhất là về tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn, chất lượng nguồn nhân lực; nhiều hạn chế, yếu kém kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu khó lường...
Bên cạnh những thách thức trên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế trong bức tranh tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh nửa nhiệm kỳ qua. Trong đó, mặc dù đã đạt được những thành tựu bước đầu, song tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 3 năm (2021-2023) vẫn đạt thấp so với mục tiêu đại hội. Chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp; chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm. GRDP bình quân đầu người và năng suất lao động xã hội thấp hơn so với bình quân chung cả nước.
Nông nghiệp dù được xác định là một trụ cột của nền kinh tế, song sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn hạn chế; sản phẩm nông nghiệp có khối lượng hàng hóa lớn, giá trị cao, có thương hiệu còn ít; các sản phẩm OCOP còn nhỏ lẻ, nhiều sản phẩm còn mang tính thời vụ. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp có xu hướng giảm; chưa thu hút được nhiều dự án công nghiệp lớn, công nghệ cao để tạo động lực cho phát triển trong giai đoạn tới. Dịch vụ chất lượng cao phát triển chậm; du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Xuất khẩu chủ yếu vẫn là hàng hóa gia công, sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp. Tiến độ triển khai thực hiện một số dự án lớn, trọng điểm chưa bảo đảm theo yêu cầu. Kết cấu hạ tầng còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội...
Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng còn bộc lộ những hạn chế, bất cập như đóng góp của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế còn thấp. Chất lượng các hoạt động văn hóa chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Chất lượng giáo dục đại trà chưa cao; số lượng giáo viên còn thiếu ở nhiều cấp học, bậc học, nhất là đối với giáo viên tiểu học và giáo viên các môn đặc thù. Việc thực hiện cơ chế tự chủ trong các bệnh viện công lập còn nhiều khó khăn. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. An ninh trên một số địa bàn trọng điểm còn tiềm ẩn yếu tố có thể gây mất ổn định... Kết quả thực hiện các chương trình trọng tâm, khâu đột phá còn những hạn chế; một số chỉ tiêu đạt thấp; việc tổ chức thực hiện các khâu đột phá còn thiếu đồng bộ, quyết liệt dẫn đến kết quả đạt được còn thấp so với mục tiêu đại hội. Chẳng hạn như Chương trình phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, theo báo cáo thì giá trị xuất khẩu mới đạt 37,4% kế hoạch; huy động vốn đầu tư đạt 11,9% kế hoạch; thu hút vốn đầu tư mới các dự án đầu tư nước ngoài bằng 1% kế hoạch, vốn đầu tư trong nước bằng 6,2% kế hoạch...
Những hạn chế thậm chí là yếu kém kể trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, không thể không nhấn mạnh đến các nguyên nhân có tính chất chủ quan, nội tại. Đó là công tác phân tích, dự báo và giải quyết khó khăn, vướng mắc ở một số lĩnh vực chưa kịp thời, hiệu quả. Một số vướng mắc về thể chế thuộc thẩm quyền của tỉnh đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc nhưng chậm được giải quyết, tháo gỡ. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, công chức, gồm cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở, ngành, UBND cấp huyện năng lực hạn chế; có tâm lý sợ sai, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Bên cạnh đó, ở một số sở, ngành, cấp ủy, UBND cấp huyện, công tác chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu chưa quyết liệt, cụ thể, còn có tình trạng quan liêu, thiếu sâu sát thực tế. Công tác phối hợp giải quyết công việc giữa các ngành cấp tỉnh, giữa các ngành cấp tỉnh với các huyện, thị xã, thành phố thiếu chặt chẽ, có tình trạng đùn đẩy, nhất là trong giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, triển khai dự án, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ở một số lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức...
Khơi tiềm lực, tạo vị thế
Nằm ở vị trí kết nối vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ với vùng đồng bằng Sông Hồng, Thanh Hóa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Cùng với hệ thống giao thông thuận lợi, đa dạng như cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, đường sắt Bắc Nam...; trên địa bàn còn có Cảng Hàng không Thọ Xuân, Khu Kinh tế Nghi Sơn gắn với Cảng nước sâu Nghi Sơn và 8 khu công nghiệp... Bên cạnh đó, những thành tựu về kinh tế - xã hội thời gian qua, cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; kết quả thu hút đầu tư giai đoạn trước phát huy hiệu quả, đang đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, các quy hoạch lớn đã được phê duyệt; một số vướng mắc về thể chế đã được Chính phủ và cấp ủy, chính quyền trong tỉnh sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ... Tất cả các yếu tố trên, đang và sẽ trở thành những điều kiện thuận lợi, hay lợi thế lớn để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Trang trại sản xuất nho theo hướng công nghệ cao tại xã Xuân Du (Như Thanh). Ảnh: Lê Hợi
Nói đến cơ hội Thanh Hóa đang nắm giữ để đẩy nhanh tốc độ phát triển, đó trước hết là môi trường chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng được đổi mới, hoàn thiện, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được xem là tiền đề, là điều kiện đặc biệt quan trọng để Thanh Hóa xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý tổ chức và bộ máy, nhằm đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng lợi thế, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Cùng với đó, Thanh Hóa đang có nhiều lợi thế để phát triển một số ngành, lĩnh vực trong mối quan hệ liên kết vùng, khai thác thị trường nội tỉnh có quy mô dân số lớn. Chẳng hạn, với lợi thế về kinh tế biển, Thanh Hóa có cơ hội phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao, cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Bắc; phát triển các dịch vụ vận tải - kho cảng - logistics, xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn cho khu vực Nam Bắc bộ, một phần Bắc Trung bộ, Tây Bắc và Đông Bắc Lào. Bên cạnh đó, với một nền nông nghiệp phát triển, Thanh Hóa có cơ hội phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, cung cấp cho thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh vốn đang có nhu cầu ngày càng lớn. Ngoài ra, Thanh Hóa cũng có điều kiện để phát triển các dịch vụ chất lượng cao về giáo dục - đào tạo, y tế, vận tải, vui chơi giải trí...
Để tạo tiền đề hay hành lang pháp lý cho phát triển, thời gian qua, công tác xây dựng, triển khai các đề án, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng được tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo quyết liệt. Theo đó, tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, nhằm khơi thông nguồn lực và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Nói về lợi thế so sánh của Thanh Hóa trong giai đoạn phát triển mới, phải nói đến quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị đã được phê duyệt. Bởi, tỉnh Thanh Hóa đã sớm xác định, công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhằm tạo ra khung pháp lý cao nhất, khái quát nhất và là công cụ quan trọng để hoạch định các định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, phân bố và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Do đó, ngay sau khi Luật Quy hoạch ra đời và có hiệu lực thi hành, tỉnh đã khẩn trương triển khai công tác lập quy hoạch; tổ chức nhiều hội nghị cho ý kiến vào các vấn đề cốt lõi, có tính chất liên ngành, liên vùng để bảo đảm tính kết nối, đồng bộ, hiệu quả và khả thi của các quy hoạch...
Đến nay, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/2/2023. Theo đó, Thanh Hóa là tỉnh thứ 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch. Cũng trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, các ngành, các địa phương đang tập trung triển khai thực hiện, nhằm cụ thể hóa các phương án quy hoạch ngành, lĩnh vực được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh. Đồng thời, xây dựng phương án kêu gọi, thu hút đầu tư để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch tỉnh, bao gồm đầu tư công và thu hút các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước.
Có thể nói, những thách thức mà tỉnh Thanh Hóa đang và sẽ phải đối diện là rất lớn, song không vì khó khăn, thách thức mà bi quan hay dao động. Ngược lại, trên cơ sở những thành quả đạt được, những bài học kinh nghiệm đã được rút ra, cũng như nhận diện rõ các thách thức, khó khăn để có giải pháp tháo gỡ, có sách lược ứng phó, thì việc tranh thủ thời cơ, khơi thông nguồn lực được xem là yếu tố quyết định để Thanh Hóa bứt tốc tăng trưởng trong nửa cuối nhiệm kỳ.
Khôi Nguyên (Nguồn THO)
Bài 2: Khơi sức mạnh nội sinh cho phát triển.