Thể thao Thanh Hóa sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX: Khẳng định vị thế và sự lớn mạnh

Bứt phá trên đấu trường quốc tế, giữ vững vị thế tốp đầu quốc gia với lứa vận động viên (VĐV) tài năng, chất lượng cao là những nét nổi bật, ấn tượng nhất của thể thao thành tích cao Thanh Hóa sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (2020-2025).


Lứa VĐV mới đầy tài năng, triển vọng của thể thao Thanh Hóa.

Từ điểm tựa công tác đào tạo trẻ

Giai đoạn 2020-2025, với thế và lực của mình, thể thao Thanh Hóa xác định rõ, nâng cao chất lượng công tác đào tạo VĐV trẻ chính là nền tảng quan trọng đầu tiên cho thời kỳ phát triển mới với yêu cầu và những mục tiêu cao hơn. Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Thanh Hóa Đàm Văn Long cho biết: Đây là giai đoạn đánh dấu bước phát triển mới của thể thao thành tích cao Thanh Hóa, bởi vậy, số lượng bộ môn được điều chỉnh từ 27 đã tăng lên 32 với gần 1.000 VĐV, huấn luyện viên (HLV). Trong đó, mỗi bộ môn đều phải duy trì 3 tuyến VĐV bao gồm năng khiếu, trẻ và đội tuyển. Để công tác huấn luyện, tuyển chọn VĐV trẻ bảo đảm chất lượng theo yêu cầu mới, trung tâm đã chuẩn hóa đội ngũ các HLV, đồng thời có sự điều chỉnh phù hợp nhất để “các thầy” phát huy hết khả năng chuyên môn, trách nhiệm và kinh nghiệm của mình.

Trong bối cảnh gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đội tuyển các bộ môn đã nỗ lực vượt khó, tìm kiếm và đào tạo nhiều lứa VĐV kế cận cho tương lai. Trung tâm cũng đã cố gắng khắc phục, cải thiện từng bước điều kiện về cơ sở vật chất để các VĐV, HLV yên tâm tập luyện với mục tiêu nâng cao chuyên môn, thành tích. Về cơ bản, tất cả các bộ môn, trong đó bao gồm các môn thể thao thế mạnh và các bộ môn mới đều ổn định, củng cố lực lượng ở 2 tuyến năng khiếu và trẻ. Bên cạnh đó, các VĐV trẻ đều được tạo điều kiện tham gia đầy đủ hệ thống các giải trẻ quốc gia hàng năm, các giải khu vực... Đây là những sân chơi để các VĐV trẻ khẳng định khả năng của mình, qua đó ban huấn luyện cũng có những giải pháp đầu tư trọng điểm, mũi nhọn, lâu dài với những gương mặt tài năng xuất sắc có thể giành được thành tích cao ở đấu trường quốc tế.

“Quả ngọt” từ công tác đào tạo trẻ của thể thao Thanh Hóa đó là nhiều bộ môn thế mạnh, có truyền thống đều khẳng định vị thế trong tốp đầu và rất ổn định tại các giải trẻ quốc gia hàng năm, như: điền kinh, vovinam, pencak silat, lặn, bơi, vật, taekwondo, karate, muay, cử tạ, bắn súng, đua thuyền (rowing và canoeing)... và các bộ môn thể thao mới đầu tư, gây dựng lại như xe đạp, wushu, võ cổ truyền, bắn cung, kurash, jujitsu, đấu kiếm...

...đến khẳng định đẳng cấp, vị thế

Chất lượng và sự đầu tư đúng hướng của công tác đào tạo trẻ chính là nền tảng quan trọng để thể thao Thanh Hóa phát hiện ra những tài năng, để đội ngũ VĐV này trở thành nòng cốt quan trọng của tỉnh tại đấu trường quốc gia và quốc tế. Điều này đã được khẳng định qua những gương mặt tài năng, xuất sắc, đóng góp cho thể thao Việt Nam, như: Quách Thị Lan, Quách Công Lịch, Lê Trọng Hinh, Trương Thị Thu (điền kinh); Hoàng Thị Tình (judo); Nguyễn Thị Hương (taekwondo); Lê Thị Hiền, Trương Văn Tuấn (Vovinam); Vũ Văn Kiên, Nguyễn Ngọc Toàn (pencak silat); Đặng Thị Linh (vật); Nguyễn Thị Phương Hậu (muay); Trần Thị Linh (boxing)... Đây đều là những VĐV “đầu tàu”, thủ lĩnh của các bộ môn và có nhiều đóng góp cho vị thế tốp đầu tại giải vô địch quốc gia hàng năm và trong khuôn khổ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX.

Bên cạnh đó, nhiều tài năng trẻ được phát hiện cũng đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc về chuyên môn để giành được thành tích bứt phá tại đấu trường quốc gia, quốc tế trong gần 3 năm trở lại đây như: Cao Thị Duyên (lặn); Phạm Thị Vân (bơi); Nguyễn Văn Lãm, Lê Thị Huyền (xe đạp); Hà Thị Hóa (cử tạ); Định Thế Đức (đua thuyền); Phạm Thị Linh (wushu); Nguyễn Thị Thanh Trúc (jujitsu); Phạm Ngọc Châm (taekwondo); Trương Thị Thương (karate); Bùi Văn Dũng (điền kinh); Nguyễn Minh Quý (bắn cung)...

Các VĐV kỳ cựu khẳng định được đẳng cấp, vị thế, các VĐV trẻ bứt phá mạnh mẽ đã giúp thể thao Thanh Hóa liên tiếp giành được những thành tích cao ở cả đấu trường quốc gia, quốc tế. Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX - năm 2022, đoàn thể thao Thanh Hóa giành được 40 HCV, 29 HCB, 63 HCĐ, giữ vững vị trí thứ 4 toàn đoàn, hoàn thành mục tiêu đề ra. Vị thế tốp đầu quốc gia là bệ phóng để thể thao Thahh Hóa bứt phá ở đấu trường quốc tế. Tại SEA Games 31 - Việt Nam, Thanh Hóa có số lượng HLV, VĐV tham gia đông nhất từ trước tới nay, với 4 HLV, 19 VĐV tham gia tranh tài ở 14 môn. Các VĐV Thanh Hóa đã thi đấu xuất sắc giành được 10 HCV, 4 HCB, 3 HCĐ. Đây là thành tích cao nhất từ trước tới nay của Thanh Hóa tại một kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á. Tại SEA Games 32 - năm 2023, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do nước chủ nhà Campuchia cắt bỏ nhiều bộ môn, nội dung thế mạnh, các VĐV Thanh Hóa vẫn thể hiện sự nỗ lực hết mình và đã xuất sắc giành được 7 HCV, 5 HCB, 5 HCĐ. Bên cạnh đó, nhiều bộ môn vẫn đều đặn giành được HCV tại các giải khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới. Điều này tiếp tục khẳng định sự lớn mạnh, phát triển của thể thao tỉnh nhà. CLB Đông Á Thanh Hóa giành chức vô địch Cúp quốc gia và xếp thứ 4 tại giải vô địch quốc gia V.League 1 - năm 2023. Đội bóng chuyền nữ Thanh Hóa đã và đang có sự tiến bộ nhất định sau quãng thời gian có phần sa sút.

Sẵn sàng cho những cột mốc thành tích mới

Đồng chí Phạm Nguyên Hồng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết: Có thể khẳng định, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX (2020-2025), bằng sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, sự nỗ lực vượt khó, thể thao thành tích cao Thanh Hóa đã đánh dấu cột mốc phát triển mới một cách toàn diện. Điều này đã được khẳng định bằng những cột mốc thành tích lịch sử trong các năm từ 2020 đến nay. Đây là nền tảng quan trọng để tỉnh ta tiếp tục phát huy sức mạnh, sẵn sàng cho giai đoạn mới với những mục tiêu mới như: Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 tại Trung Quốc (tháng 9-2023), Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X, SEA Games 33.

Đây cũng là giai đoạn hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án “Phát triển TDTT tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với các giải pháp trọng tâm như: Tối ưu hóa kết cấu các môn thể thao, thúc đẩy sự phát triển cân bằng của thể thao thành tích cao; tập trung đầu tư phát triển từ 32 - 40 môn thể thao thành tích cao; nâng cao trình độ đội ngũ HLV; công tác đào tạo trẻ; tạo điều kiện để các HLV, VĐV tham gia tập huấn, các giải đấu; phấn đấu duy trì vị trí tốp đầu tại Đại hội Thể thao toàn quốc, các giải trẻ và giải vô địch quốc gia hàng năm; nâng cao điều kiện cơ sở vật chất cho thể thao thành tích cao; tăng mức đầu tư và đổi mới cơ chế, chính sách đối với các môn thế mạnh, nỗ lực nâng cao trình độ các môn thể thao còn lại; rà soát, bổ sung quy hoạch lực lượng các môn thể thao trọng điểm đã và đang có những VĐV có thành tích, đẳng cấp quốc tế để tiếp tục đầu tư chuyên biệt, hướng đến mục tiêu đạt thành tích cao. Ổn định mức dinh dưỡng, không ngừng cải thiện nâng cao đời sống cho đội ngũ HLV, VĐV, đồng thời có cơ chế giữ chân, đãi ngộ xứng đáng với những VĐV tài năng...

Có như vậy, thể thao Thanh Hóa mới tiếp tục giữ vững được vị thế trong tốp đầu toàn quốc và đạt được những thành tích bứt phá hơn trên đấu trường quốc tế trong những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025.

Mạnh Cường (Nguồn THO)

Album

Album videos