Phát huy giá trị di tích đền thờ Lê Phụng Hiểu

Xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa) là vùng đất giàu giá trị lịch sử, nơi còn lưu giữ được một hệ thống di sản văn hóa vật thể có giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc, trong đó có đền thờ Lê Phụng Hiểu. Những năm qua, xã luôn chú trọng đến việc giữ gìn, phát huy giá trị của đền thờ nhằm tri ân công đức của bậc tiền nhân.


Đền thờ Lê Phụng Hiểu, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa).

Đền thờ Lê Phụng Hiểu gắn liền với cuộc đời và công trạng của võ tướng Lê Phụng Hiểu - một nhân vật lịch sử đặc biệt, quê ở Kẻ Bưng, hương Băng Sơn, Châu Ái, nay là làng Xuân Sơn, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa). Ông phụng sự hai triều vua nhà Lý là Lý Thái Tổ (1009-1028) và Lý Thái Tông (1029-1054).

Hiện nay sử sách ghi chép về ông rất ít, chỉ có 3 sự kiện gắn với 3 chiến công của ông đó là: Dẹp yên vụ tranh giành đất đai địa giới ở làng. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư “Khi trẻ, Lê Phụng Hiểu là người có sức khỏe phi thường, khi hai thôn Cổ Bi và Đàm Xá tranh giành địa giới, đem đồ khí giới để đánh nhau, Lê Phụng Hiểu bảo người làng Cổ Bi rằng “một mình tôi có thể đánh được bọn họ”. Sau đó ông đã nhún mình nhổ cây lên đánh bừa làm bị thương nhiều người. Thôn Đàm Xá sợ quá phải trả lại ruộng cho thôn Cổ Bi”. Sau công trạng này, ông được vua Lý Thái Tổ tin dùng, cất nhắc làm võ tướng, thăng tới chức Vũ vệ tướng quân.

Ngoài ra, Lê Phụng Hiểu còn có công dẹp loạn “Tam vương”. Vào năm Mậu Thìn (1028), sau khi vua Lý Thái Tổ băng hà, các hoàng tử Vũ Đức Vương, Dực Thánh Vương và Đông Chính Vương không chấp nhận việc Thái tử Lý Phật Mã lên nối ngôi, đã đem quân vây thành để đoạt ngôi. Võ tướng Lê Phụng Hiểu đã có công giúp Thái tử dẹp loạn “Tam Vương”, lên ngôi vua lấy hiệu là Lý Thái Tông, đặt niên hiệu là Thiên Thành. Cảm kích trước tấm lòng trung dũng của ông, vua Lý Thái Tông đã phong ông làm Đô thống Thượng tướng quân.

Lê Phụng Hiểu ngoài có công dẹp loạn “Tam vương”, chính sử còn cho biết vào khoảng niên hiệu Thiên Cảm Thánh Vũ (1044-1048) ông theo vua Lý Thái Tông đi đánh giặc Chiêm Thành, làm tướng tiên phong, phá tan được quân giặc, khi xét công ban thưởng ông chỉ xin lên núi Băng Sơn ném đao, đao rơi xuống chỗ nào thì xin làm sản nghiệp và được vua chấp thuận. Sau đó Lê Phụng Hiểu lên núi, ném đao xa hơn nghìn dặm, đao rơi xuống hương Đa Mi. Vua bèn lấy số ruộng ấy ban cho, tha thóc thuế cho ruộng ném đao ấy”. Cũng từ sự kiện Lê Phụng Hiểu ném đao dưới thời Lý, từ đây mới xuất hiện ruộng thưởng gọi là “thác đao” mà về sau chính sử nhiều lần ghi chép. Sau khi ông mất, dân làng lập đền thờ ngay dưới chân núi để ghi nhớ công ơn của ông.

Theo hương ước làng Băng Sơn và trí nhớ của người dân trong vùng thì đền thờ Lê Phụng Hiểu được lập dựng từ năm 1078 thời vua Lý Nhân Tông, trên một khu đất thoáng đãng tại chân núi Băng Sơn, hay còn gọi là đền Ông Bưng. Đền có quy mô bề thế, dáng hình cổ kính và trang nghiêm, có kết cấu hình “chữ Tam” gồm Tiền bái, Đại bái và Hậu cung (chính tẩm). Tòa chính tẩm đặt khám thờ long ngai bài vị ghi tên tuổi ngày sinh, ngày mất và hàm tước của ngài. Đại bái 5 gian và Tiền bái 7 gian. Tất cả đều làm bằng gỗ quý, mái lợp ngói mũi hài, tường xây gạch, loại gạch cổ xưa màu nâu xám có kích thước lớn.

Ngoài các điện thờ còn có nhà Tả vu, Hữu vu, cổng Nghi môn, tường vây và nhiều cây cổ thụ quanh năm xanh tốt. Bao quanh và liền kề với khu đền thờ là điện thờ và lăng mộ của thân mẫu Lê Phụng Hiểu nằm bên trái, tựa lưng vào núi Băng Sơn, bên phải là núi Băng Sơn nơi có ngôi chùa cổ “Hương Sơn tự” còn gọi là “Mã Yên tự”.

Trải qua hàng trăm năm tồn tại với sự biến thiên của lịch sử, sự tàn phá của thời tiết, ngôi đền đã bị hư hại và được các triều đại nối tiếp như: Trần, Lê, Nguyễn quan tâm tu sửa điện thờ và ban sắc phong với nhiều hiệu cao quý (hiện nay còn giữ được 23 đạo sắc phong). Trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, ngôi đền bị hư hại nặng nề, tòa Tiền bái, Đại bái và Nghi môn bị tháo dỡ hoàn toàn, nhiều đồ thờ có giá trị cũng bị thất lạc. Sau đó, người dân trong làng đã quyên góp sức người, sức của để tu sửa, xây dựng lại tòa Đại bái trên nền móng cũ bằng bê tông, cốt thép. Năm 2002, đền thờ Lê Phụng Hiểu đã được xếp hạng di tích quốc gia.

Để tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị của đền thờ, ngày 7/8/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 2976/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đền thờ Lê Phụng Hiểu, xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa. Trên cơ sở đó, huyện Hoằng Hóa đang tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện dự án, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của Nhân dân và du khách, phục vụ mục tiêu phát triển du lịch của địa phương.

Cùng với việc quan tâm giữ gìn, phát huy giá trị di tích, để tưởng nhớ công ơn của võ tướng Lê Phụng Hiểu, hàng năm chính quyền cùng Nhân dân xã Hoằng Sơn đều tổ chức lễ hội đền thờ Lê Phụng Hiểu vào ngày 8/4 (âm lịch). Tuy nhiên, trên thực tế lễ hội mới chỉ tổ chức ở quy mô nhỏ với các hoạt động cúng tế, lễ dâng hương của các bản hội và du khách thập phương.

Do đó, để mở rộng quy mô lễ hội xứng tầm với giá trị và tầm vóc của đền thờ cũng như công trạng của võ tướng Lê Phụng Hiểu, nhiều ý kiến của các nhà sử học cho rằng trong thời gian tới chính quyền địa phương xã Hoằng Sơn và huyện Hoằng Hóa cần tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để tổ chức kiểm kê, phỏng vấn, nghiên cứu, khôi phục các trò chơi dân gian mang bản sắc và tổ chức Lễ hội đền thờ Lê Phụng Hiểu theo quy mô, nghi thức truyền thống. Đồng thời, sớm lập hồ sơ đề nghị đưa lễ hội truyền thống đền thờ Lê Phụng Hiểu vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đó, góp phần tuyên truyền quảng bá công lao, đức nghiệp của Lê Phụng Hiểu cũng như thúc đẩy việc phát triển kinh tế du lịch của địa phương.

Nguyễn Đạt (Nguồn THO)

(Bài viết có sử dụng tư liệu tại Hội thảo khoa học “Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu và vùng đất Băng Sơn).

Album

Album videos